Saturday, March 21, 2015

Hoành phi: xưa & nay

Hoành phi là thể loại đại tự thường có nhiều hơn một chữ và được treo ngang. Câu đối có 2 bên cân xứng nên ngày xưa người ta thường treo, khắc câu đối ở 2 bên cổng, 2 bên tường, 2 cột ở 2 bên gian giữa nhà,... Còn phần ngang bên trên cổng, trên cửa nhà, hay ở trên chính giữa gian nhà là nơi để treo hoành phi.

Loại hoành phi treo bên ngoài, phía trên cổng còn có chức năng là biển hiệu của ngôi nhà. Những nhà quyền quý, có thế lực hoặc giàu có thì cổng được xây hoặc bằng gỗ, có mái che và thường tương xứng với quy mô ngôi nhà hoặc danh tiếng của người chủ. Ngày nay, biển hiệu của các tổ chức, công ty treo trên cửa, cổng các toà nhà chính là loại hoành phi này. Nhưng vị trí & hình thức thì đã thay đổi đa dạng hơn.

Một bức hoành phi ở Văn miếu - Quốc tử giám (ảnh sưu tầm)
Loại hoành phi treo trong nhà thường mang một ý nghĩa nào đó thể hiện mục tiêu, giá trị, tư tưởng hoặc ý chí của người chủ. Ví dụ, trong truyện Thuỷ Hử, bức hoành phi ở nơi tụ họp của các anh hùng Lương Sơn Bạc là "Tụ nghĩa đường" - nơi tụ nghĩa, thể hiện mong muốn quảng giao hội tụ các hảo hán trong thiên hạ (tư tưởng chủ đạo của Tiều Bảo Chính). Hoặc ở đình Sơn Phong (Hội An) có bức hoành phi của chúa Nguyễn Phúc Chu với nội dung "Cứu thế độ nhân",  phần nào phản ánh tư tưởng trị quốc của vị chúa nhà Nguyễn.

Ngày nay, ngoài biển hiệu thì các tổ chức hay công ty còn hay có một câu khẩu hiệu (slogan) của mình. Ví dụ, Viettel có câu "hãy nói theo cách của bạn", LG thì có "Life is good" (cuộc sống tốt đẹp), Apple có "think different" (suy nghĩ khác biệt), hay câu "Setting the Standards" (thiết lập tiêu chuẩn) của Airbus,... đều có thể coi là những bức hoành phi nhiều ý nghĩa.





Sunday, March 15, 2015

Sách: câu đối tam ngữ Việt của tác giả Lê Mỹ


Được bạn tặng cho cuốn: "Câu đối tam ngữ Việt" của tác giả Lê Mỹ, một cuốn sách trình bày khoảng hơn 400 câu đối bằng 3 loại chữ khác nhau: chữ quốc ngữ, chữ nho và chữ "khoa đẩu hoả tự".

"Khoa đẩu hỏa tự" là một loại chữ cổ, viết loằng ngoằng hơi giống chữ viết của người Thái. Tác giả và một số ý kiến cho rằng đây là loại chữ do người Việt cổ sáng tạo và sử dụng cho đến đầu công nguyên. Một số khác lại cho rằng đây là loại chữ trước thời Tần ở một số khu vực của Trung quốc. Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu đủ tin cậy nào về loại chữ cổ này cũng như độ chính xác của việc đây là chữ viết do người Việt cổ sáng tạo hay không.

Câu đối trên bìa sau cuốn sách "Câu đối tam ngữ Việt"


Chuyện về chữ "khoa đẩu hoả tự" chắc chưa có hồi kết và cũng không phải là mục đích của bài viết này. Quay lại chuyện câu đối. Điều đáng chú ý là cuốn sách chủ yếu trình bày các câu đối khá dân dã, đơn giản và đời thường chứ không quá tầm chương trích cú hay hàm ý sâu xa. Ví dụ trên bìa sau cuốn sách là một câu đối khá hay và dễ hiểu, dễ đọc:

Yêu rừng phải thấu lời cây hát
Quí biển cần tường tiếng sóng reo

Chủ đề cũng có nhiều câu đối đề cập đến các vấn đề hiện đại, từ góc nhìn của người dân:

Đút lót gặp cẩu quan đối tác
Cò mồi tìm ô lại làm ăn

Hoặc là:

Cải lương nhún nhảy pha mùi rock
Tuồng cổ đung đưa trộn vị jazz

Có thể tìm được trong sách hàng trăm câu như thế về những chủ đề khác nhau. Nếu không quá cầu kỳ, khó tính hoặc theo phong cách vị cổ thì những ai quan tâm đến nghệ thuật câu đối thì đọc cuốn sách này cũng thú vị.

Tuesday, March 10, 2015

Đại tự: Chữ "nhất" của cụ Tam Nguyên Yên Đổ

Nếu câu đối là một trong những thế loại văn học cô đọng nhất thì đại tự có lẽ là thể loại nghệ thuật không thể cô đọng hơn. "Đại tự", hiểu theo nghĩa đơn giản là "chữ to", là chữ được viết to để treo lên như một bức tranh. Đây là dạng kết hợp của viết chữ & vẽ tranh (vẽ chữ). Các bức đại tự có thể có một vài chữ, việc xin chữ ở phố ông đồ ngày Tết trong hầu hết trường hợp là xin đại tự.

Đại tự thường được treo như tranh vừa để trang trí, vừa để thể hiện một điều gì đó: ý tưởng, ước nguyện, mong muốn,... Người Việt thường thích những chữ như: phúc, lộc, thọ, tài, an, tâm, đức, dung, hạnh, hoà, thuận, cha mẹ,...

Dân gian còn lưu truyền một bức đại tự nổi tiếng của cụ Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến với chỉ một chữ "nhất", là chữ đơn giản nhất trong chữ Hán chỉ có một nét ngang.

Chữ "nhất" trong tiếng Hán
Chuyện là có người bị cháy nhà và mới dựng lại (ngày xưa ở nông thôn Việt Nam, nhà làm bằng tre nứa, lợp rơm rạ nên rất dễ bị cháy). Người này đến nhờ cụ Nguyễn Khuyến viết cho bức đại tự, mang về treo với mong muốn là tránh xa rủi ro bị cháy lần nữa. Cụ Nguyễn Khuyến nhận lời và lấy bút viết một chữ nhất (như hình trên) và dặn chủ nhà mang về treo, nhưng không treo ngang mà phải treo đứng lên như hình dưới:

Chữ "nhất" được treo đứng lên

Tuy không hiểu rõ, nhưng chủ nhà vẫn mang về và làm đúng như lời dặn của cụ Nghè. Quả nhiên sau đó không thấy cháy nhà nữa! :)) Mấy tháng sau chủ nhà mang con gà đến lễ và cảm ơn cụ Nghè về bức đại tự. Nhân tiện nhờ cụ giải nghĩa tại sao.

Nguyễn Khuyến cười rồi giải thích: nhà không cháy là do chủ nhà đã bị cháy một lần rồi nên cẩn thận củi lửa hơn. Còn chữ "nhất" treo đứng thì trông như một cái chày dựng đứng. Mà "chày đứng" thì có thể  đọc lái là "đừng cháy", về mặt tâm lý và tâm linh cũng góp phần giảm bớt xui xẻo!


Monday, March 2, 2015

Câu đối - làm thế nào để gần gũi hơn với lớp trẻ?

Câu đối là một nét truyền thống trong văn hóa phương đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều nét nghệ thuật khác ngày nay có phần mai một và khó tiếp cận với lớp trẻ. Nhưng câu đối thì vẫn rất gần gũi, có thể bắt gặp các đôi câu đối trong tất cả các chùa chiền, miếu mạo, trong các gia đình. Vào dịp Tết, bất cứ trang mạng hay tờ báo xuân nào cũng có những đôi câu đối... Tuy nhiên có vẻ nó được để ở vị trí quá xa và không theo được nhịp sống hiện nay, vì vậy ít gây được sự chú ý hay quan tâm của lớp trẻ và cũng không gần gũi với cuộc sống đời thường của người dân.


Về thể loại


Có thể thấy trong hàng ngàn câu đối tìm được trên các trang mạng, tuyệt đại đa số là các câu đối được truyền lại từ xa xưa hoặc có nội dung ca ngợi những danh nhân lịch sử, văn hóa (với mục đích thờ phụng). Các câu đối hiện đại có thể có nhiều nhưng ít được phổ phiến. Những câu đối về cuộc sống bình thường của con người được truyền lại không nhiều, chủ yếu là của các văn nhân có tư tưởng phóng khoáng, tự do như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Cao Bá Quát,...

Về ngôn ngữ


Ngày xưa chưa có chữ quốc ngữ nên phần lớn câu đối là chữ Hán, hoặc Hán Nôm. Tuy nhiên ngay gần đây, các bậc trí giả có uy tín vẫn "sính" dùng chữ Hán. Điều này có thể do quan niệm truyền thống, nhưng như vậy cũng vô tình làm cho nghệ thuật câu đối không đến được với đa số người Việt, nhất là giới trẻ. Trong khi tiếng Việt rất phong phú, lại gần gũi và phù hợp với câu đối. Từ ngữ được sử dụng trong câu đối khá hạn chế và gò bó, "đao to, búa lớn" hoặc giới hạn trong những khái niệm truyền thống như: xuân, tết, bao la, vũ trụ, sơn hà, tâm, trí,...

Về đề tài

Nếu quan sát các hội chợ xuân, điển hình là phố ông đồ ngày Tết, sẽ thấy hình thức, chất liệu câu đối rất đa dạng (có cả những câu đối khảm trai, dát vàng) nhưng đề tài lại khá nghèo nàn và lặp đi lặp lại quá nhiều từ năm này qua năm khác.

Nguyên do có lẽ do tư tưởng tầm chương trích cú, ca ngợi người xưa nhưng lại quá khắt khe với lớp trẻ, với cái mới hoặc những tìm tòi theo hướng đột phá còn chưa hoàn thiện.

Câu đối là thể loại ngắn gọn, cô đọng bậc nhất của ngôn ngữ và văn chương tiếng Việt. Có lẽ nên có những nỗ lực để loại hình nghệ thuật này trở nên gần gũi hơn với con người, với cuộc sống hiện đại. Sách giáo khoa tiếng Việt và văn học Việt Nam có lẽ cũng nên có ít nhất một nội dung về nghệ thuật câu đối. Việc nội dung và đề tài gần gũi với giới trẻ không làm mất đi những nét đẹp vốn có của nghệ thuật câu đối Việt Nam. Một vài ví dụ:

Văn dàn năm mới lao xao chữ
Xóm chợ đầu xuân láo nháo tiền

Hay là:

Học toán mười năm, cứ thấy khai căn là méo mặt
Luyện văn từ nhỏ, gặp bài ngữ pháp lại bâng khuâng

Phải chăng là nên thêm một số cách tiếp cận đơn giản, dễ hiểu và gần gũi và thoáng đạt hơn bên cạnh những tuyệt tác kinh điển đã được truyền tụng từ hàng trăm năm trước!