Wednesday, February 25, 2015

Ai công hầu, ai khanh tướng,....

Ngô Thì Nhậm (17461803) và Đặng Trần Thường (1759-1813) là hai danh sĩ cuối thời Trịnh - Nguyễn phân tranh đến thời Tây Sơn. Đây là giai đoạn nhiều biến động và sóng gió trong lịch sử dân tộc. Cả hai ông đều từng làm quan cuối thời Lê - Trịnh, nhưng sau khi Quang Trung - Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc thì số phận run rủi khiến hai người rẽ theo hai ngả.

Ngô Thì Nhậm, được nhà Tây Sơn cầu hiền và đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định Bắc Hà. Khi 20 vạn quân Thanh kéo đến, ông góp mưu cùng Ngô Văn Sở thực hiện rút quân chiến lược, bảo toàn lực lượng và chuẩn bị bàn đạp ở vùng Tam Điệp (Ninh Bình) để vua Quang Trung đại phá quân Thanh.

Đặng Trần Thường ban đầu cũng có ý làm quan cho nhà Tây Sơn, nhờ Ngô Thì Nhậm tiến cử. Nhưng do Ngô Thì Nhậm cho rằng ông có ý cầu cạnh nên bảo: "Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác". Cảm thấy bị sỉ nhục, ông bỏ vào Nam theo Gia Long - Nguyễn Ánh và cũng lập nhiều công trạng, được coi là khai quốc công thần của nhà Nguyễn.






Sau khi nhà Tây Sơn mất, Đặng Trần Thường là người chủ trì việc trừng phạt Ngô Thì Nhậm và các nhân sĩ Bắc Hà đã từng theo Tây Sơn trước đó.  Để trả thù Ngô Thì Nhậm, Đặng Trần Thường ra câu thách đối:

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai

Không ngờ Ngô Thì Nhậm khẳng khái đáp lại:

Thế chiến quốc, thế xuân thu, thời đã thế, thế thời phải thế

Kết quả là Ngô Thì Nhậm bị nhục hình bằng roi (có người cho rằng có tẩm thuốc độc). Sau trận đòn thù, Ngô Thì Nhậm bệnh nặng và mất sau đó. Câu chuyện bi tráng của hai nhân sĩ Bắc Hà là đối thủ của nhau thời Lê Trịnh - Tây Sơn và đầu thời Nguyễn, mãi mãi còn lưu lại cùng với đôi câu đối nổi tiếng mà hai ông là đồng tác giả.

No comments:

Post a Comment