Tuesday, March 10, 2015

Đại tự: Chữ "nhất" của cụ Tam Nguyên Yên Đổ

Nếu câu đối là một trong những thế loại văn học cô đọng nhất thì đại tự có lẽ là thể loại nghệ thuật không thể cô đọng hơn. "Đại tự", hiểu theo nghĩa đơn giản là "chữ to", là chữ được viết to để treo lên như một bức tranh. Đây là dạng kết hợp của viết chữ & vẽ tranh (vẽ chữ). Các bức đại tự có thể có một vài chữ, việc xin chữ ở phố ông đồ ngày Tết trong hầu hết trường hợp là xin đại tự.

Đại tự thường được treo như tranh vừa để trang trí, vừa để thể hiện một điều gì đó: ý tưởng, ước nguyện, mong muốn,... Người Việt thường thích những chữ như: phúc, lộc, thọ, tài, an, tâm, đức, dung, hạnh, hoà, thuận, cha mẹ,...

Dân gian còn lưu truyền một bức đại tự nổi tiếng của cụ Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến với chỉ một chữ "nhất", là chữ đơn giản nhất trong chữ Hán chỉ có một nét ngang.

Chữ "nhất" trong tiếng Hán
Chuyện là có người bị cháy nhà và mới dựng lại (ngày xưa ở nông thôn Việt Nam, nhà làm bằng tre nứa, lợp rơm rạ nên rất dễ bị cháy). Người này đến nhờ cụ Nguyễn Khuyến viết cho bức đại tự, mang về treo với mong muốn là tránh xa rủi ro bị cháy lần nữa. Cụ Nguyễn Khuyến nhận lời và lấy bút viết một chữ nhất (như hình trên) và dặn chủ nhà mang về treo, nhưng không treo ngang mà phải treo đứng lên như hình dưới:

Chữ "nhất" được treo đứng lên

Tuy không hiểu rõ, nhưng chủ nhà vẫn mang về và làm đúng như lời dặn của cụ Nghè. Quả nhiên sau đó không thấy cháy nhà nữa! :)) Mấy tháng sau chủ nhà mang con gà đến lễ và cảm ơn cụ Nghè về bức đại tự. Nhân tiện nhờ cụ giải nghĩa tại sao.

Nguyễn Khuyến cười rồi giải thích: nhà không cháy là do chủ nhà đã bị cháy một lần rồi nên cẩn thận củi lửa hơn. Còn chữ "nhất" treo đứng thì trông như một cái chày dựng đứng. Mà "chày đứng" thì có thể  đọc lái là "đừng cháy", về mặt tâm lý và tâm linh cũng góp phần giảm bớt xui xẻo!


No comments:

Post a Comment