Về thể loại
Có thể thấy trong hàng ngàn câu đối tìm được trên các trang mạng, tuyệt đại đa số là các câu đối được truyền lại từ xa xưa hoặc có nội dung ca ngợi những danh nhân lịch sử, văn hóa (với mục đích thờ phụng). Các câu đối hiện đại có thể có nhiều nhưng ít được phổ phiến. Những câu đối về cuộc sống bình thường của con người được truyền lại không nhiều, chủ yếu là của các văn nhân có tư tưởng phóng khoáng, tự do như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Cao Bá Quát,...
Về ngôn ngữ
Ngày xưa chưa có chữ quốc ngữ nên phần lớn câu đối là chữ Hán, hoặc Hán Nôm. Tuy nhiên ngay gần đây, các bậc trí giả có uy tín vẫn "sính" dùng chữ Hán. Điều này có thể do quan niệm truyền thống, nhưng như vậy cũng vô tình làm cho nghệ thuật câu đối không đến được với đa số người Việt, nhất là giới trẻ. Trong khi tiếng Việt rất phong phú, lại gần gũi và phù hợp với câu đối. Từ ngữ được sử dụng trong câu đối khá hạn chế và gò bó, "đao to, búa lớn" hoặc giới hạn trong những khái niệm truyền thống như: xuân, tết, bao la, vũ trụ, sơn hà, tâm, trí,...
Về đề tài
Nếu quan sát các hội chợ xuân, điển hình là phố ông đồ ngày Tết, sẽ thấy hình thức, chất liệu câu đối rất đa dạng (có cả những câu đối khảm trai, dát vàng) nhưng đề tài lại khá nghèo nàn và lặp đi lặp lại quá nhiều từ năm này qua năm khác.Nguyên do có lẽ do tư tưởng tầm chương trích cú, ca ngợi người xưa nhưng lại quá khắt khe với lớp trẻ, với cái mới hoặc những tìm tòi theo hướng đột phá còn chưa hoàn thiện.
Câu đối là thể loại ngắn gọn, cô đọng bậc nhất của ngôn ngữ và văn chương tiếng Việt. Có lẽ nên có những nỗ lực để loại hình nghệ thuật này trở nên gần gũi hơn với con người, với cuộc sống hiện đại. Sách giáo khoa tiếng Việt và văn học Việt Nam có lẽ cũng nên có ít nhất một nội dung về nghệ thuật câu đối. Việc nội dung và đề tài gần gũi với giới trẻ không làm mất đi những nét đẹp vốn có của nghệ thuật câu đối Việt Nam. Một vài ví dụ:
Văn dàn năm mới lao xao chữ
Xóm chợ đầu xuân láo nháo tiền
Hay là:
Học toán mười năm, cứ thấy khai căn là méo mặt
Luyện văn từ nhỏ, gặp bài ngữ pháp lại bâng khuâng
Phải chăng là nên thêm một số cách tiếp cận đơn giản, dễ hiểu và gần gũi và thoáng đạt hơn bên cạnh những tuyệt tác kinh điển đã được truyền tụng từ hàng trăm năm trước!
No comments:
Post a Comment